THÔNG TIN GIỚI THIỆU DI SẢN VĂN HÓA
Tên di sản Trò Kéo song ở thị trấn Hương Canh
Loại hình di sản Nghệ thuật trình diễn dân gian
Địa điểm Thị trấn Hương Canh - Huyện Bình Xuyên - Tỉnh Vĩnh Phúc
Miêu tả về di sản văn hóa phi vật thể

Kéo song là một trong những trò chơi dân gian truyền thống của 3 làng Hương Canh, Ngọc Canh và Tiên Canh (tên nôm được các cụ gọi là 3 làng Cánh), hiện nay thuộc thị trấn Hương Canh, tỉnh Vĩnh Phúc. Về nguồn gốc của trò kéo song này được cụ Nguyễn Kim Đáp, 80 tuổi kể: “Theo truyền thuyết từ xưa thì vào thế kỷ thứ X, Ngô Xương Ngập (con trai cả của Ngô Quyền) đã luyện tập tướng sỹ trên khúc sông Cánh ở đây. Quân sỹ nhiều khi huy động cả thanh niên trong làng dùng dây song kéo chiến thuyền để điều chỉnh tốc độ nhanh chậm, tiến lùi của đội chiến thuyền. Sau này đình của 3 làng thờ lục vị thần Hoàng làng đều là hậu duệ, tướng lĩnh thuộc quyền của Ngô Vương . Trò Kéo song được đưa vào Hội làng là vì thế. Khi kéo, các song thủ ngồi trong hố đào trên đất từng đôi một, cách ngồi giống tư thế bơi chải, cũng là tái hiện lại tư thế luyện tập của quân sĩ Ngô Xương Ngập. ” Có một câu chuyện khác về nguồn gốc của trò Kéo song tồn tại trong dân gian do các cụ Nguyễn Hữu Đảng và Nguyễn Xuân Tiếp, 76 tuổi kể lại: “3 làng Cánh đều nằm bên bờ sông. Người dân ở đây nếu không thông thạo sông nước thì khó lòng có thể trụ nổi với thiên tai, giặc dã. Hơn nữa, dân kẻ Cánh ngoài nghề nông còn kiếm sống thêm bằng nghề chài lưới, cào hến, mò trai, đánh bống. Xưa, kẻ Cánh còn có nghề khai thác cát sỏi, lấy đất sét dưới lòng sông về làm cang, chĩnh. Các nghề sông nước đều gắn với đủ loại thuyền, từ thuyền tam bản, độc mộc, đến thuyền nan, thuyền thúng… Việc dùng dây song để kéo thuyền bè qua những đoạn hiểm yếu là công việc thường ngày. Cũng có thể từ đó mà trò diễn kéo song ra đời”. Theo lời các cụ cao tuổi ở đây thì trò chơi này đã có từ lâu. Các cụ đã được chứng kiến trò kéo song từ năm Quý Mùi 1943. Khi ấy kéo song diễn ra vào cả 3 ngày hội của 3 làng là 15, 16,17 tháng Hai Âm lịch, được gọi là Tiết Xuân tế. Sau gần 20 năm gián đoạn vì chiến tranh, năm 1960 trò Kéo song được phục hồi trở lại, nhưng không cùng với thời gian mở hội, mà được tổ chức vào dịp Tết Nguyên đán (từ mồng 3 đến mồng 5 tháng Giêng Âm lịch). Hơn 50 năm qua, trò Kéo song vẫn được duy trì hàng năm, chỉ bị ngắt quãng 1,2 năm do không tìm mua được dây song dùng để kéo.

Kéo song là trò kéo co bằng dây song luồn qua một chiếc cột lim chôn xuống đất; trai tham gia kéo song được gọi là song thủ. Các song thủ từng đôi một ngồi chung trong một cái hố đào chéo hình bậc thang, sao cho song thủ vừa ngồi được, vừa duỗi thẳng cả hai chân, đạp vào thành hố phía trước để tăng lực kéo. Các song thủ ngồi giống tư thế bơi chải, tạo sức mạnh kéo dây song về về phía mình. Trước 1945, việc tổ chức Kéo song do người của Tự Môn Sở (Ban hành chính của 3 làng) thực hiện. Các song thủ là trai đinh của 9 cơ, 21 ngõ thuộc 3 làng kẻ Cánh, độ tuổi trên 20. Việc lựa chọn song thủ do các hương lão, chức dịch tuyển lựa. Người được chọn thường là người khỏe mạnh, gia đình được tin tưởng trong làng. Mỗi làng là một đội, gồm 25 người, trong đó có một người chỉ huy gọi là Trịch song (hay còn gọi là tướng), một người phụ giúp (gọi là sĩ). Trang phục của song thủ là đóng khố, cởi trần. Dây song dùng để kéo phải chọn dây song mật, đốt (lóng) dài đều, gốc và ngọn tương đối bằng nhau, không bị sâu đục, không cụt ngọn, có độ dài từ 50-70m, đường kính 4-5cm. Dây song trước kia thường được lấy từ rừng Thanh Lanh - Ngọc Bội (thuộc dãy Tam Đảo). Trước Hội khoảng 3 tháng, các cụ bô lão cử người đi chọn dây song. Người được chọn đi lấy song phải là người có kinh nghiệm chọn song, có uy tín trong làng, gia đình song toàn, không vướng tang. Dây song lấy về được đưa vào đình Hương làm lễ trình Thánh rồi đặt lên giá gỗ phía bên trái đình. Đến kỳ Hội, trước khoảng 7-10 ngày, dây được mang ra ngâm xuống giếng nước để tăng độ dẻo trước khi mang ra kéo. Hiện nay: Việc tổ chức ngày hội kéo song do chính quyền thị trấn Hương Canh thực hiện. Thị trấn Hương Canh hiện có 19 khu, tổ dân phố được phân chia thành 4 đội kéo song, gọi là 4 liên quân. Mỗi liên quân có khoảng 100 người, sau đó chọn 34 người làm song thủ: 25 song thủ chính thức, 05 song thủ dự bị và 04 người phục vụ. Mỗi đội cử 01 đội trường, 02 đội phó và 01 chỉ đạo viên. Các song thủ được lựa chọn từ 20 tuổi trở lên, khỏe mạnh. Dây song được đặt mua ở các tỉnh miền núi phía Bắc (Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang) với giá tiền từ 20-40 triệu/dây. Các quy định về tiêu chuẩn của dây song vẫn được giữ nguyên. Hiện tại dây mua về sau khi làm lễ thì được cất trong nhà kho, nằm trong khuôn viên của UBND thị trấn Hương Canh. Mỗi năm thường phải mua ít nhất hai dây vì có năm các song thủ kéo quá hăng đã làm đứt dây, phải thay dây mới để tiếp tục.

© 2013 Bản quyền thuộc về Cục Di sản văn hóa. ® Thiết kế bởi VNIT
Địa chỉ: 51 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Website: http://dsvh.gov.vn * Tel: (84-4) 39447540 * Fax: (84-4) 39439929 * Email: Liên hệ